Số nợ thuế không có khả năng thu hồi của Cục Hải quan Bình Dương tính đến ngày 31/7 là 74 tỷ đồng, chiếm hơn 98,6% trong tổng nợ thuế của tỉnh này.

Con số được đưa ra trong báo cáo định kỳ về tình hình thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2016 của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Cục Hải quan Bình Dương kiến nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn phương án giải quyết số nợ thuế không có khả năng thu hồi nói trên.

hai-quan-binh-duong-gan-99-no-thue-khong-the-thu-hoi

Trước đó, hai cơ quan của Bộ Tài chính là Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đều có văn bản gửi các Cục Thuế và Hải quan địa phương, yêu cầu rà soát, thống kê các trường hợp nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày mà trên thực tế không có khả năng thu hồi, phải báo cáo lên cấp trên. Dựa trên báo cáo thực tế, Bộ Tài chính sẽ có kiến nghị về biện pháp quản lý và xử lý tiền nợ thuế đối với các DN.

Về tổng thu NSNN tháng 7/2016, Cục Hải quan Bình Dương đã thu hơn 991,6 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước và tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Lũy kế đến hết ngày 31/7, tỉnh này thu thuế NSNN đạt 6.259 tỷ đồng, đạt 59,6% dự toán (10.500 tỷ đồng). Trong đó số thuế thu từ XNK, thuế TTĐB, thuế BVMT là hơn 1.021,6 tỷ đồng (chiếm 16%) tổng thu; thu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5.219 tỷ đồng (chiếm hơn 83%) tổng thu nội địa.

Trước đó, báo cáo về kết quả kiểm toán, quyết toán năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, số nợ thuế do ngành Hải quan quản lý vẫn duy trì ở mức cao đạt 7.111 tỷ đồng. Trong đó nợ quá hạn về thuế chuyên thu là hơn 4.900 tỷ đồng, nợ quá hạn về thu thuế tạm thu là 2.160 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động thu thuế của hải quan các địa phương, trong các năm qua, nợ thuế của ngành thuế cả nước đã không ngừng tăng lên cả về số liệu tuyệt đối lẫn tỷ trọng đối với thu nội địa: từ 35.117 tỷ (2011) lên 55.056 tỷ (2012) rồi 69.342 tỷ (2013). Đến ngày hết năm 2014, theo báo cáo của KTNN, tổng số nợ thuế đã lên mức 76.073 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (tương đương 6.731 tỷ).

Trong đó, nợ khó thu tăng 24% (2.617 tỷ đồng), xảy ra ở 53/63 địa phương. Nợ có khả năng thu tăng 12% (6.160 tỷ đồng), xảy ra ở 28/63 địa phương. Riêng nợ chờ xử lý có mức giảm 32% song vẫn còn ở mức cao và phổ biến tại 33/63 tỉnh thành.

Trong khi nợ thuế của ngành Thuế và Hải quan vẫn còn có những khoản thu khó đòi, không thể thu hồi do đối tượng chịu thuế: bỏ trốn, hàng hóa vi phạm không tái xuất, đối tượng đăng ký kinh doanh nhiều địa điểm thì số tiền hụt thu NSNN mỗi năm vẫn lớn. KTNN cho hay, năm 2014, số tiền phải thu và nộp về NSNN ước tính phải tăng thêm 8.287 tỷ đồng từ các khoản nợ thuế của các DN, cá nhân nhưng không xử lý được.

KTNN cho biết, hiện còn có nhiều Cục và chi cục ở địa phương có hoạt động hải quan đường không, bộ và biển quan trọng như: Quảng Ninh, Đồng Nai, TPHCM và Hải Phòng… có số nợ thu thuế và hải quan lớn. KTNN xác định, về công tác quản lý nợ đọng thuế tại một số địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thu thuế thực hiện không triệt để các biện pháp cưỡng chế theo quy định; không thực hiện đầy đủ cưỡng chế thu nợ đối với các đối tượng cần cưỡng chế; công tác phân loại nợ thuế thiếu cơ sở, căn cứ và bằng chứng…

Theo Dantri